Xin chào các bạn!
Mình là Lê Thị Thanh Trang, hiện tại mình đang là Comtor Manager ở Neolab Vietnam. Thấm thoát cũng gần 6 năm mình đồng hành cùng Neolab.
6 năm trước, mình đã quyết định quay về quê hương miền Trung từ mảnh đất Sài Gòn hoa lệ để lập nghiệp. Giai đoạn đó ở Đà nẵng có rất nhiều công ty IT nhưng mình lại bị thu hút bởi Neolab vì lúc ấy công ty còn khá trẻ và mình tin là mình sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển cùng nơi này. Ngay từ buổi phỏng vấn, mình đã dễ dàng nhận ra nơi đây có những con người năng động và người sếp có tính cách đặc biệt Tera - người mà sau này chỉ dạy mình rất nhiều thứ từ những điều đơn giản nhất. Điều đó càng làm mình mong muốn làm việc ở đây và thế là mình đồng hành cùng Neolab.
Trong công việc hay cuộc sống, cần có mảnh đất đủ rộng, đủ màu mỡ để bạn thể hiện năng lực của mình. Với mình Neolab chính là mảnh đất như thế. Mình vẫn nhớ, hồi mới vào nghề, mình không biết Công nghệ thông tin là làm gì, và comtor sẽ làm những việc gì, lúc đó mình chỉ đơn giản nghĩ là dịch. Ờ! dịch, chỉ thế thôi. Thế nhưng, càng đi sâu vào công việc comtor, mình càng hứng thú hơn với những kỹ thuật, những công nghệ, rồi dần dần mình đắm chìm vào công việc gọi là comtor. Gọi là đắm chìm nhưng mình cũng thử sức với nhiều công việc khác nhau trong quá trình phát triển dự án. Nào là dịch nè, test nè, còn cả làm SM nữa. Mình nhận thấy rằng để làm tốt công việc comtor, cần là con người đa zi năng. Ngoài yêu cầu tiên quyết là có khả năng ngoại ngữ tốt và hiểu được văn hóa của các bên, 1 comtor cần có khả năng tìm kiếm, tự nghiên cứu để nắm rõ các yêu cầu kỹ thuật của dự án và sẵn sàng hỗ trợ cho đội dự án trả lời những câu hỏi liên quan về kỹ thuật. Trong dự án sẽ luôn có những vấn đề phát sinh và không thể tránh những tranh luận giữa các bên. Vì thế, công việc này cần sự linh hoạt, thấu hiểu văn hóa của các bên và khả năng điều phối để thực hiện tốt vai trò cầu nối và hỗ trợ tốt cho dự án. Bên cạnh đó, comtor cũng cần có khả năng tóm tắt và chốt vấn đề, đặc biệt là trong các cuộc họp dự án để giúp các bên nắm rõ những vấn đề cốt lõi.
Mỗi công việc sẽ có 1 đặc thù và khó khăn riêng của nó. Thay vì sợ hãi, mình nên bình tĩnh và tìm cách để giải quyết nó. Trong công việc comtor của mình cũng vậy. Có những lúc mình được assign dịch cho các cuộc họp liên quan đến kiến thức kỹ thuật mà mình chưa biết trước đó. Những lúc như vậy, thay vì lo lắng, mình thường tập trung tìm hiểu về kiến thức đó trước, xác nhận nội dung họp của 2 bên để update từ ngữ chuyên ngành và chuẩn bị nội dung thật kỹ. Tuy nhiên, trong cuộc họp khó tránh khỏi những vấn đề phát sinh không lường trước được, những vấn đề mình không chuẩn bị sẵn trước. Khi gặp những vấn đề như thế, mình thường dựa vào tình hình để đưa ra giải pháp và ứng biến thật nhanh để tránh ảnh hưởng đến cuộc họp. Từ những bài học phát sinh đó, mình có động lực để nghiên cứu và trang bị cho mình thêm về kiến thức IT. Đương nhiên, không phải học để có thể code được hay hiểu rõ nó như thế nào, mà là nghiên cứu để khi mình gặp trong dự án thì mình sẽ: À, nó là cái này đấy, nó như thế này, và sẽ liên kết với cái kia,.....
6 năm cùng Neolab là 1 hành trình giúp mình hoàn thiện bản thân mỗi ngày và gặt hái được một số thành tựu nhất định cho mình. Ngoài ra, hành trình ấy cũng giúp mình hiểu và cảm nhận được tình cảm của những con người nơi đây. Mình vẫn luôn nhớ câu nói của anh Tera: “ Neolab là ngôi nhà thứ 2, và các bạn là anh chị em của tôi”. Vâng, Neolab vẫn đang phát triển không ngừng nghỉ, nhưng đâu đó Neolab vẫn là ngôi nhà thứ 2 của mình - nơi nuôi dưỡng mình trưởng thành, là khoảng trời, là tuổi trẻ để mình vẫy vùng và là không gian để mình thể hiện bản thân mình.
Tác giả Trang Lê